menu_open

Hỏi - Đáp

Tổng hợp hỏi - đáp
Nguyễn Việt Cường - 10/08/2018 9:38:25 SA
Nội dung câu hỏi:

Hiện nay các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản Huế gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để mở rộng sản xuất cũng như phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm: Xin hỏi tỉnh có chính sách nào để hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển thị trường cho các mặt hàng đặc sản Huế?

10/08/2018 9:50:10 SA

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng, vị thế của đặc sản địa phương nói chung và đặc sản Huế nói riêng trong sự ảnh hưởng và tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 06/9/2013 phê duyệt chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và Chương trình số 57/CTr-UBND ngày 22/4/2016 phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã có những chính sách phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản Huế như sau:

(1) Hỗ trợ phát triển sản xuất: Thực hiện theo Chương trình khuyến công.

(2) Hỗ trợ phát triển thị trường: Thực hiện theo Chương trình xúc tiến thương mại với các hoạt động sau:

- Tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

- Quảng bá sản phẩm đặc sản Huế thông qua Cổng thương mại điện tử Sản phẩm Huế với tên miền: www.sanphamhue.com.vn và www.sanphamhue.vn

- Tổ chức các chương trình kết nối và tham gia các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh thành trong nước nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ của tỉnh. Trong tháng 12/2016, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị kết nối, phát triển thị trường sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ Huế lần 2 năm 2016 tại thành phố Huế.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương làm đầu mối giúp đỡ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản Huế, đề nghị bạn liên hệ Sở Công Thương Thừa Thiên Huế thông qua Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại (Địa chỉ: 02 Tôn Đức Thắng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) - Điện thoại: 0543.810216 - 837840 hoặc Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng thành phố Huế, thị xã và các huyện để được tư vấn.

Công ty TNHH Du Lịch và Thương Mại Á Đông - 10/08/2018 10:17:59 SA
Nội dung câu hỏi:

Kính chào quý cơ quan!

Công ty chúng tôi có đăng ký ngành dịch vụ kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú và nhà hàng. Về các thủ tục pháp lý cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, phòng Nhân sự - Hành chính chúng tôi có trách nhiệm đảm nhận. Trong suốt thời gian làm việc về các thủ tục này, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều điểm bất cập, tuy nhiên khi đưa ra câu hỏi đối với các cơ quan ban ngành chức năng của tỉnh lại không nhận được câu trả lời thích đáng, mà chỉ nhận được yêu cầu phải thực hiện trong khi chúng tôi mơ hồ không biết làm như vậy có phải là đúng không và có theo đúng tinh thần của các thông tư, nghị định của nhà nước hay không? Tôi xin đề cập về vấn đề chính là vấn đề đăng ký hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi. Công ty chúng tôi được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh lần đầu vào ngày 06/06/2000, và thay đổi nhiều lần qua các năm khi mở rộng ngành nghề kinh doanh. Lần gần đây nhất chúng tôi thay đổi giấy phép kinh doanh là ngày 28/01/2013, thay đổi lần thứ 24. Trong giấy phép kinh doanh hiện tại của chúng tôi có đăng ký các ngành nghề kinh doanh như:

- Dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Chi tiết: khách sạn

- Điều hành tour du lịch. Chi tiết: kinh doanh lữ hành - ………………..

- Vận tải hành khách đường bộ

- Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động - …………………….

Chúng tôi không phải là những nhà phân tích để đưa ra những luận định, đánh giá rằng quy định đó đúng hay sai, nhưng dựa vào những thực tiễn mà chúng tôi có được, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau: Khi chúng tôi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, chúng tôi sẽ làm hồ sơ và gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cấp. Thiết nghĩ rằng, trước khi cấp giấy phép cho chúng tôi, quý sở phải có liên kết với các cơ quan, ban ngành liên quan để thẩm định về các điều kiện hoạt động kinh doanh của chúng tôi, sau đó khi đủ điều kiện rồi mới cấp giấy phép hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Khi công ty chúng tôi đã có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó “được phép” hoạt động các ngành nghề kinh doanh như trên thì các cơ quan lại yêu cầu chúng tôi phải xin phép thêm các giấy con cho từng lĩnh vực hoạt động. Nếu chúng tôi không thực hiện thì lại trái so với quy định pháp luật? Tại sao chúng tôi hoạt động theo những ngành nghề mà chúng tôi đã “được phép” mà lại trái pháp luật? Thế thì giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không có giá trị gì hay sao?

1. Về kinh doanh dịch vụ khách sạn: Phải đảm bảo các điều kiện về:

- Phòng chống cháy nổ

- An ninh trật tự

Chúng tôi đã đáp ứng được hai điều kiện trên và đều đã có giấy phép

2. Về kinh doanh dịch vụ ăn uống: Phải đảm bảo điều kiện về An toàn vệ sinh thực phẩm Chúng tôi đã đáp ứng được điều kiện trên và đã có giấy phép. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại yêu cầu chúng tôi phải có thêm giấy phép bán lẻ rượu, giấy phép bán lẻ thuốc lá. Như vậy là rất vô lý! Theo chúng tôi hiểu theo nghĩa thô của từ “bán lẻ rượu” là bán lẻ từng chai rượu (có đóng nút) cho người mua. Nó khác với bán buôn là bán số lượng lớn thì bán lẻ là bán theo chai. Và bán lẻ là không phục vụ tại chỗ. Nhưng ở công ty chúng tôi là phục vụ ngay tại điểm bán hàng, theo chúng tôi hiểu thì đó là dịch vụ ăn uống.

Trong quyết định số 337 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có viết: “4723 - 47230: Bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh Nhóm này gồm:

Bán lẻ đồ uống có cồn và không có cồn trong các cửa hàng chuyên doanh (đồ uống không nhằm tiêu dùng ngay tại cửa hàng) như:

- Bán lẻ đồ uống có cồn: rượu mạnh, rượu vang, bia.. ……………..

- Pha chế đồ uống nhằm tiêu dùng ngay tại cửa hàng được phân vào ngành 56 (Dịch vụ ăn uống);”

Vậy, chúng tôi không thuộc cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu, tại sao lại yêu cầu chúng tôi phải có giấy phép bán lẻ rượu. Chúng tôi có hợp đồng mua bán với các cửa hàng bán lẻ rượu bên ngoài, thì những cửa hàng đó mới là đối tượng phải có giấy phép bán lẻ rượu. Còn công ty chúng tôi chỉ cần đảm bảo các điều kiện về vệ sinh và bảo quản là đã đúng theo quy định.

3. Về kinh doanh dịch vụ vận chuyển:

Như trên đã nói, trong giấy phép kinh doanh của chúng tôi đã được phép hoạt động “vận tải hành khách đường bộ. Chi tiết: vận tải khách du lịch”. Nhưng chúng tôi lại phải làm thủ tục để xin thêm “giấy phép vận tải khách du lịch”. Để làm được giấy phép vận tải này chúng tôi phải đi qua đi lại nhiều lần giữa Sở Giao thông Vận tải và Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, làm nhiều loại thủ tục. Nếu số lượng lái xe của chúng tôi ít hơn số lượng xe, chúng tôi cũng không đủ điều kiện được cấp giấy. Vì vậy, chúng tôi phải tuyển thêm nhân viên lái xe mới, đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tham gia khóa học để nhân viên lái xe được cấp giấy chứng nhận tập huấn du lịch. Sau đó, chúng tôi phải làm hồ sơ qua Sở Giao thông vận tải để xin cấp giấy phép. Thủ tục quá rườm rà và tốn quá nhiều thời gian. Vậy tại sao trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chúng tôi, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại không liên kết với Sở Giao thông – Vận tải thẩm định về các điều kiện vận tải của công ty, đạt yêu cầu rồi mới cấp giấy chứng nhận?.

4. Về kinh doanh dịch vụ lữ hành:

Hiện công ty chúng tôi đang có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lữ hành vì đã được đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng thì chúng tôi lại phải có giấy phép kinh doanh lữ hành. Vv…….. Thủ tục cho những vấn đề này là quá rườm rà và rắc rối. Nếu như rút ngắn được công đoạn nào thì có lẽ sẽ tốt hơn cho rất nhiều doanh nghiệp. Vậy, đại diện cho phòng Nhân sự - Hành chính, tôi xin có những ý kiến như trên, mong quý cơ quan xem xét giải đáp cho tôi được rõ, để thuận tiện hơn cho các công việc hành chính của công ty.

Trân trọng cảm ơn.

10/08/2018 10:18:56 SA - Cơ quan trả lời: Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời của Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

- Để hoạt động kinh doanh, trước hết bạn phải làm thủ tục gia nhập thị trường hay nói cách khác là đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bạn đăng ký thủ tục này tại Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Phòng Đăng ký kinh doanh cấp cho bạn Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không phải là Giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh như bạn trình bày.

- Khi đi vào hoạt động các ngành nghề có điều kiện, cụ thể là các ngành nghề như bạn trình bày ở trên thì bạn phải đăng ký với các cơ quan chuyên ngành để được cấp giấy phép hoạt động hoặc giấy đủ điều kiện hoạt động các ngành nghề đó.

- Theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, không quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư phải liên kết với các cơ quan, ban ngành để thẩm định về các điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cũng như bạn, chúng tôi thiết nghĩ phải có bộ phận 01 cửa liên thông để giải quyết tất cả các thủ tục nói trên cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của Luật Doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành khác vẫn đang thực hiện độc lập. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Hy vọng một ngày gần đây, những quy định nói trên sẽ được thay đổi theo chiều hướng có lợi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tổng cộng 2
 
Gửi câu hỏi
 
 
   
 
 
 
CAPTCHA image
(Nhập vào mã xác nhận trên)