Cải cách thủ tục hành chính - Chính sách tối ưu cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp
Cập nhật: 18/12/2023 9:29:15 SA
Xem cỡ chữ:
Trong năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh chú trọng đến công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính góp phần thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, Thừa Thiên Huế đã tăng cường và triễn khai các giải pháp nhằm xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh và trở thành đơn vị dẫn đầu về phát triển điện tử cấp tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 43/2018/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 về ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện cải cách hành chính gắn với ứng dụng CNTT. Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với CCHC, số hóa hồ sơ TTHC nhằm rút ngắn thời gian, giảm các loại giấy tờ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, có 100% TTHC của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.296; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 976, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan TTHC cần giao dịch. Tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp, được nhập vào hệ thống một cửa điện tử để giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng internet, SMS, Zalo… Khi nộp hồ sơ liên quan đất đai có cung cấp số di động sử dụng Zalo, trạng thái hồ sơ sẽ được tự động thông báo cho người dân, qua đó góp phần giảm giấy tờ, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC.

Ngoài việc xây dựng, phát triển hạ tầng mạng, tỉnh đang thí điểm triển khai đề án chính quyền số với nhiều nội dung hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm như: cung cấp tốt hơn các dịch vụ số sử dụng các công nghệ và công cụ hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ di động cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá hiệu năng, chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của người dân để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở Thừa Thiên Huế thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết TTHC. Qua đó cho thấy, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước cần phải đi đầu trong chuyển đổi số; và chuyển đổi số thành công sẽ là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt” và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Với những kinh nghiệm và giải pháp đã được triển khai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Chỉ số PCI năm 2021 xếp thứ 8 trong toàn quốc, tăng 09 bậc so với năm 2020; Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước trong các năm gần đây và ổn định ở vị trí thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2020 xếp thứ 3, năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc; Chỉ số PAPI năm 2021 xếp thứ nhất cả nước, tăng 09 bậc so với năm 2020.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính được tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các Sở, ban, ngành xác định là một trong những giải pháp mang tính đột phá. Việc triển khai cải cách hành chính một cách đồng bộ đã giúp các chính sách, định hướng phát triển của tỉnh được thực hiện có tính hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế